Tiếp xúc với cường độ tiếng ồn lớn trong một thời gian dài như việc dùng tai nghe nhạc với âm lượng quá cao có thể gây tổn thương đến màng nhĩ của bạn.
Tuổi càng cao thì khả năng nghe càng kém đi do các dây thần kinh trong tai cũng suy giảm theo độ tuổi của con người. Khi sóng âm đi vào tai, màng nhĩ rung, rồi đến tai trong và dẫn lên não để nghe. Như vậy, màng nhĩ là bộ phận đầu tiên phải tiếp xúc với tiếng ồn ở cường độ cao và cũng dễ bị tổn thương nhất.
Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy mất thính lực là mối nguy hiểm ngày càng tăng nếu sử dụng tai nghe trong một thời gian dài. Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí JAMA cho biết số thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-19 bị mất thính lực đã tăng từ 14,9% trong giai đoạn 1988-1994 lên 19,5% trong hai năm 2005-2006.
Điều đáng lo là những người trẻ thường chủ quan và đánh giá thấp các triệu chứng ù tai và suy giảm thính lực tạm thời trong quá trình nghe nhạc.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nghe nhạc bằng tai nghe trong khi tập thể dục cũng có thể gây nguy hiểm cho tai. Sau nửa giờ tập thể dục, lưu lượng máu dẫn đến tai sẽ bị ảnh hưởng, lúc này, khi phải chịu một cường độ tiếng ồn lớn tai sẽ rất dễ tổn thương.
Vào năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành chỉ thị áp dụng với các hãng bán thiết bị chơi nhạc ở 27 nước thành viên, yêu cầu cường độ âm lượng mặc định của các thiết bị chơi nhạc phải nằm trong mức an toàn. Từ đó thấy rõ rằng việc sử dụng thiết bị chơi nhạc an toàn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và mức độ của âm lượng.
Chỉ thị này cũng yêu cầu thời gian tiếp xúc với tiếng ồn cần được hạn chế, cụ thể là tiếng ồn có cường độ 80dB cần được hạn chế 40 giờ/ tuần, tiếng ồn có cường độ 89dB không được vượt quá 5 giờ/ tuần.
Viện quốc gia về chứng điếc và các rối loạn giao tiếp khác(NIDCD) của Mỹ cho biết ngưỡng tiếng ồn làm mất thính lực là ở cường độ 100dB và nếu lên tới 130dB –mức tiếng ồn tại các buổi hòa nhạc có thể gây tổn thương cho đôi tai của bạn.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét